Nhưng đứng về phương diện tình cảm, đó lại là cảm giác thân thuộc đã có hàng thế kỷ. Oan-da-xem Mê-sa-sa, chủ một quán cà-phê gia đình ở khu trung tâm A-đit A-ba-ba giải thích "Nó là đồ uống của chúng tôi, nó được sản xuất tại đây, chứ không phải nhập khẩu, cho nên tôi nghĩ nó thỏa mãn mọi người"...
Vùng cao nguyên của đất nước này là nơi sản sinh ra hạt cà-phê. Dân gian lưu truyền câu chuyện vào thế kỷ thứ 9, những con dê chăn thả trên vùng cao nguyên Kap-pha sau khi ăn phải loại hạt màu đỏ hết sức hưng phấn nên những người chăn dê đã thử những hạt đó và xác nhận ảnh hưởng của loại hạt đặc biệt này. Họ đã nói với những thầy tu ở gần đó, những người này đã ném hạt cà-phê vào lửa, sau đó cho vào nước sôi để uống và tỉnh táo thức suốt đêm để cầu nguyện, chuyện trò.
Ðến nay, loại hạt kỳ diệu này đã trở thành một trong những thức uống được ưa chuộng nhất trên thế giới, và không nơi nào hơn chính quê hương của nó. Ê-ti-ô-pi-a là đất nước sản xuất cà-phê đồng thời cũng là nơi tiêu thụ cà-phê hàng đầu thế giới. 'Người Ê-ti-ô-pi-a yêu cà-phê. Cà-phê là nguồn thu nhập chính của chúng tôi. Ðó là nguồn sống của 80% người Ê-ti-ô-pi-a và là nguồn thu ngoại tệ số một của đất nước', Me-sa-sa nói.
Nhiều gia đình tổ chức nghi lễ uống cà-phê trong nhà mỗi ngày. Ðó là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và xã hội của đất nước. Lời mời tham dự một buổi lễ như vậy được xem như dấu hiệu của một tình bạn hay sự tôn trọng và là một thí dụ tuyệt vời của lòng mến khách của người Ê-ti-ô-pi-a. Thực hiện nghi thức này gần như là bắt buộc khi có khách dù vào thời gian nào trong ngày. Sự tôn kính của người Ê-ti-ô-pi-a với cà-phê đòi hỏi một nghi thức tỉ mỉ và đôi khi cầu kỳ. Nghi thức này luôn được tiến hành bởi một phụ nữ trong trang phục truyền thống với váy trắng và những đường thêu nhiều mầu sắc ở gấu áo. Các đồ dùng cho nghi lễ được sắp đặt trên một chiếc chiếu phủ cỏ thơm, ấm và chén sắp ngay ngắn trên bàn. Hạt cà-phê được rửa sạch, sau đó được rang trong một cái chảo có tay cầm dài trên một lò than nhỏ. Người rang luôn lắc chảo để hạt cà-phê nóng đều và không bị cháy. Khi hạt cà-phê chuyển thành mầu đen bóng và mùi thơm đậm đà quyến rũ tỏa lan trong không khí, chúng được bỏ vào một cái cối bằng gỗ và dùng chày gỗ để giã. Sau đó, bột cà-phê được cho vào một chiếc ấm đất cổ truyền cùng với nước và đun sôi trên bếp. Thưởng thức mùi hương và âm thanh cũng là một phần quan trọng của nghi thức này. Cà-phê được rót liên tục vào những chiếc tách nhỏ để sát nhau, không có một sự ngắt quãng nào để nước không bị vẩn cặn. Tách cà-phê đầu tiên dành mời người cao tuổi nhất, sau đó đến những người khác. Cà-phê thường được uống với khá nhiều đường hay ở vùng ngoại thành là muối và có thể dùng kèm bỏng ngô hay lạc. Nghi thức uống cà-phê truyền thống trước kia được thực hiện ba lần một ngày, sáng, trưa, chiều và khi có khách. Nghi thức chỉ hoàn tất sau ba vòng uống, mỗi vòng đều có tên và ý nghĩa riêng của nó. Uống cà-phê bên ngoài cũng được xem như một hoạt động giao tiếp. Trong các thành phố, các quán cà-phê là nơi gặp gỡ bạn bè, bàn chuyện làm ăn và yêu đương. Người Ê-ti-ô- pi-a uống trung bình bốn cốc cà-phê Arabica một ngày. Do căng thẳng kinh tế, một số người đã phải mua cà-phê ở các quán rong vỉa hè chứ không phải trong các quán hàng để tiết kiệm tiền. 'Cà-phê đã trở thành thứ đồ uống khá đắt đỏ ở chính Ê-ti-ô-pi-a, dù mỗi người đều cần uống cà-phê mỗi ngày bằng cách này hay cách khác. Trong các quán hàng, cà-phê khá đắt đối với những người thu nhập thấp, thậm chí thu nhập ở mức trung bình' - chủ quán cà-phê cho biết. Ở quán bạn phải trả 50 xu một tách, trong khi chỉ phải trả 10 xu để mua cà-phê từ gánh hàng rong. Các gánh hàng rong đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên đường phố thủ đô. Họ mang theo những bình cà-phê pha sẵn từ nhà và các cốc sứ bán cho khách qua đường. Ở đất nước này dù ở trong nhà hay bên ngoài bạn cũng không thể xa rời cà-phê. 'Ở nhà, ở quán, trên đường, trong các khách sạn, nhà hàng, mọi nơi bạn đều tìm thấy cà-phê'. Như một câu ngạn ngữ cổ đã nói, ở Ê-ti-ô-pi-a 'Cà-phê chính là bánh mì của chúng tôi'.