“Lịch sử” cà phê “bệt”
Không ai có thể nhớ chính xác nó hình thành từ khi nào, nhưng những người dân Sài Gòn hay đến đây cho biết, kiểu “cà phê bệt” này có khoảng 5-7 năm trước. Khi những người vào công viên 30/4 chơi, muốn mua cà phê hay nước uống giải khát thì chạy sang quán cà phê bên kia đường để mua, rồi mang qua công viên bên này, ngồi uống, chuyện trò cùng bạn bè.
Chiếc xe này như một "quầy bar" di động
Bên kia đường Hàn Thuyên có một quán cà phê do hai chị em gái người miền Tây làm chủ quán, quán của họ “cung ứng” nước uống bình dân đủ loại cho khách đang vào chơi công viên. Sau đó vài năm, không hiểu vì lý do gì, quán không hoạt động nữa. Thay vào đó, một gia đình khác tiếp tục kinh doanh bằng một chiếc xe lưu động 12 chỗ.
Chiếc xe như một “quầy bar” cà phê thu nhỏ. Có nhân viên đi vòng quanh công viên 30/4 như các nhân viên phục vụ vừa chào mời vừa phục vụ khách tận nơi. Vì thế, các bạn trẻ chỉ cần ngồi tại chỗ sẽ có cà phê, nước uống “bưng đến tận miệng” với giá rất bình dân.
V.H.Trang (21tuổi, ĐH Công Nghiệp), cho biết: “Mình chỉ mới biết cà phê “bệt” thời gian gần đây, nhưng mình đã đến và ghé lại nhiều lần. Không rõ là “bệt” hình thành từ khi nào, nhưng theo mình mọi người biết đến “bệt” nhiều từ khi phong trào offline blog nở rộ, rồi sinh viên các trường kiến trúc, mỹ thuật đến đây để tìm ý tưởng cho bài học, trao đổi kiến thức. Cứ ngồi bệt xuống bãi cỏ hay trên nền gạnh lát này. Thời điểm đông nhất là khi bắt đầu xuất hiện chiếc xe lưu động phục vụ nước uống, đồ ăn nhanh tiện lợi, giá rất hợp với sinh viên, học sinh”.
Cà phê "bệt" cực kỳ đông khách vào cuối tuần
“Bệt” mà cũng “chất” lắm đấy!
Nằm trong khuôn viên của công viên 30/4, phía đường Hàn Thuyên, bên cạnh nhà thờ Đức Bà với nét kiến trúc Gothic cổ kính, cà phê “bệt” rất đông khách vào hai ngày nghỉ cuối tuần.
Khách hàng đến đây đa phần là các bạn trẻ, họ chọn địa điểm này để “offline” vì nó có những nét “độc” mà ở các quán cà phê khác không có. “Không gian rộng có thể “lia” phố xá xung quanh, thoáng mát với nhiều cây xanh, mà lại nhiều nam thanh nữ tú, người nước ngoài đi dạo, thậm chí các đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia cũng thường tác nghiệp ở đây” - một dân “nghiện” cà phê “bệt” hào hứng kể.
Giá bình quân từ 5000 - 6000 đồng/ly, bạn vừa có thể nói chuyện, cười to thoải mái không “ngượng” vì ở đây… ai cũng thế cả. Nhiều góc ngồi, cây cối đẹp lại là địa điểm mà các bạn không “tha” vụ chụp ảnh “tự sướng”.
Ăn, uống, "tám" chuyện và chụp ảnh "tự sướng"
Bạn P.T. K.Hoàng (21tuổi, trường Houston, VN) đi cùng nhóm bạn, vui vẻ nói: “ Mình biết địa điểm này từ năm ngoái. Lần đó, mình đi với bạn trai. Mình thấy không gian ở đây rất mát mẻ vì có nhiều cây xanh hàng trăm năm tuổi mà không quán nào có được. Mọi người đến đây đều năng động, trẻ trung. Cà phê “bệt” rất “chất” để làm địa điểm gặp gỡ bạn bè vào những ngày cuối tuần”.
Ở một nhóm bạn teen khác, T.Q.Nam (lớp 10, trường Maricurie) kể: “Bọn em hay chọn địa điểm này để “offline”, vì nó tạo cảm giác gần gũi, hòa đồng, dễ nói chuyện. Với lại, ở đây rất mát, giá cũng phù hợp so với tụi em. Có thể ăn mặc thoải mái nữa, nói chuyện, cười to tự nhiên chứ không như một số quán cà phê sang trọng khác, vừa đắt lại cảm thấy bị gò bó”.
Hoàng cùng nhóm bạn đang thưởng thức hương vị "bệt" và lướt web nhờ "wifi chùa"
Thú thưởng thức cà phê ngồi bệt xuống nền gạch trong công viên như thế này là nét văn hóa cà phê đặc trưng Sài Gòn, đậm phong cách trẻ và rất “bụi”. Nhiều bạn còn đặt tên thành “cà phê lết”, “cà phê bụi” với những dòng tin nhắn đã trở thành quen thuộc: “Chủ nhật, gặp nhau cà phê bụi nhá”, “offline đi lết thôi anh em ơi”…
Trong khi giá xăng tăng, giá cả dịch vụ cũng tăng theo thì những thói quen đi nhà hàng, gọi đồ sang đã dần được thay thế bằng những “chính sách” tiết kiệm hơn nhiều. Vừa thoải mái, vui vẻ mà vẫn tiết kiệm, cà phê “bệt” là một lựa chọn thông minh của teen Sài thành.